Nông sản Việt có vị trí xứng đáng trên kệ hàng SATRA

Nhiều loại nông sản Việt đang chiếm ưu thế trên quầy kệ tại hệ thống bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA)

Tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhất là chỗ đứng tại các hệ thống bán lẻ lớn luôn là vấn đề khiến những người sản xuất nông sản đau đầu. Tuy nhiên, với kết quả của việc kết nối cung cầu, khi nhiều loại nông sản Việt đang chiếm ưu thế trên quầy kệ tại hệ thống bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) thì mối lo của nhiều nhà sản xuất nông sản đã phần nào được giảm bớt. 

Thời gian gần đây, khi đi mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) gồm siêu thị Sài Gòn, siêu thị TAX, Satramart Phạm Hùng (thuộc Trung tâm thương mại Phạm Hùng) và 120 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, người tiêu dùng tại TP.HCM nhận thấy sự khác biệt khá rõ ràng. Ấy là các sản phẩm nông sản Việt xuất hiện ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại và chất lượng ổn định trên các kệ hàng của SATRA. Ngoài các sản phẩm vốn đã quen thuộc thì cũng có thêm nhiều sản phẩm mới lạ.

Chị Hồng Trâm, nhà ở đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, cứ cách hai ngày chị lại ghé mua rau, củ, trái cây tại cửa hàng thực phẩm Satrafoods. Theo chị, các loại nông sản được bán tại đây rất tươi ngon, phong phú, đến từ các vùng khác nhau trong nước, giá cả khá cạnh tranh.

“Trái cây, rau củ Việt Nam mình tươi ngon, giá trị dinh dưỡng cao, giá rẻ hơn nhiều so với trái cây nhập, cũng đã xuất khẩu đi khắp các nước trên thế giới, mình sử dụng nhiều là ủng hộ người trồng, phải không?”, chị Hồng Trâm cười chia sẻ. Đồng tình, chị Nguyễn Chi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP.HCM cũng cho biết, ngoài các loại mận, thanh long của Tiền Giang, chị rất thích loại chuối Fohla được bán trong hệ thống SATRA. Theo chị, điểm đặc biệt của loại chuối này là có độ ngọt thanh, không quá mềm và vì phải bảo quản trong tủ lạnh nên trái chuối tươi lâu, khi ăn rất mát.

Tại một cửa hàng Satrafoods ở Cần Thơ, chúng tôi gặp một nhóm khách hàng đến từ TP.HCM. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cô Ngọc Phương cho biết: “Chúng tôi đi công tác. Mọi lần hay ghé chợ mua trái cây làm quà, nhưng có lần đến đây mua cam xoàn và dưa lưới, thấy ngon hơn ngoài chợ. Có lẽ do SATRA tuyển rồi, lại biết gốc gác người trồng, vùng trồng nên chất lượng hơn, giá cũng không mắc hơn bên ngoài, nên từ đó, chúng tôi thường ghé Satrafoods này để mua”.

“Thắng” ngay trên vùng nguyên liệu

Ông Giang Minh Trường, Giám đốc trung tâm điều hành chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SATRA (Satrafoods) cho biết, hiện tại, hệ thống SATRA đã liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản của nhiều địa phương như Tiền Giang, Long An, Củ Chi (TP.HCM), Lâm Đồng. Các loại nông sản được chọn để liên kết đều dựa trên thế mạnh của từng vùng miền. Ví dụ: khổ qua, dưa leo, đậu đũa, cải ngồng, khoai mỡ, chuối, bưởi, lồng mứt, thanh long, mận nhãn, dừa là của xã Thịnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang; các loại rau gia vị như hành lá, rau thơm, mồng tơi, rau dền, rau ngót... thì lấy từ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; bí đao, bầu sao, mướp hương, đậu bắp… của xã Tân An Hội, huyện Củ Chi; cà chua, xà lách, đậu cove, bắp cải, cà rốt, su su, su hào, dâu tây… là từ xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; cải bó xôi, cải thìa, cải thảo, khoai tây… là từ thành phố Đà Lạt. Long An và Lâm Đồng là hai địa phương có lượng sản phẩm có mặt trên quầy kệ của các cửa hàng Satrafoods nhiều nhất và cũng là những sản phẩm được tiêu thụ rất lớn. 

Cũng theo ông Giang Minh Trường, hiện, tổng sản lượng nông sản Việt Nam được tiêu thụ tại hệ thống của SATRA vào khoảng 350 tấn/tháng, chiếm xấp xỉ 85% tổng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ SATRA. Nói về các sản phẩm này, ông Giang Minh Trường cho biết, ngoài là sản vật đặc trưng của địa phương, có chất lượng rất tốt, thì còn phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có quy trình nuôi trồng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng tươi ngon và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Chất lượng nông sản Việt không chỉ thắng thế trên các kệ hàng, mà thông qua cách làm của SATRA, nó còn thay đổi cả thói quen tiêu dùng. Một lãnh đạo SATRA cho biết: “Khi mới bắt đầu, chúng tôi chỉ tập trung mở cửa hàng ở các quận trung tâm. Nhưng kết quả vượt hơn mong đợi từ các cửa hàng tại vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi, Tân Phú, Bình Tân… Hiện nay, tỉ lệ cửa hàng Satrafoods ở vùng ven khá cao, chiếm khoảng 1/3 số cửa hàng bán lẻ trong hệ thống SATRA và đem lại doanh thu rất tốt cho hệ thống”. Điều đó cho thấy, ngay cạnh vùng nguyên liệu của chính SATRA, thì hàng của SATRA vẫn được người tiêu dùng lựa chọn nhờ chất lượng và giá cả cạnh tranh. 

Minh bạch, công khai và liên tục đổi mới

Đưa hàng Việt vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, một thời là nỗi đau đáu của người sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ vì chiết khấu cao, thậm chí  có tiêu cực. Để hạn chế tình trạng này, SATRA đã đề ra một quy trình rất minh bạch đối với tiêu chuẩn của hàng hóa lên kệ. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, cho biết: “Trong bất kỳ hội thảo nào, chúng tôi cũng đều thông báo rõ rằng nếu đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn theo quy định của SATRA, sau 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, chúng tôi sẽ ký hợp đồng và hàng hóa sẽ được lên kệ”. Ông cũng cho biết thêm: “Trong hợp đồng có ghi rõ số điện thoại đường dây nóng, trong đó có số điện thoại của tôi. Nếu doanh nghiệp nào cảm thấy có sự đối xử bất công thì tôi sẽ trực tiếp giải quyết. Quy tắc là tôi sẽ làm việc trực tiếp với người than phiền, sau đó mới làm việc với nhân viên. Cho đến hôm nay tỉ lệ phàn nàn là rất ít, chủ yếu là than phiền về tiến độ thanh toán hoặc một số doanh nghiệp xin thanh toán trước… nhưng ở SATRA, việc thanh toán phải có quy trình và đã được quy định trong hợp đồng, nên muốn thay đổi là rất khó”. Ông khẳng định sẽ xử lý mạnh tay những thành phần làm hệ thống bán lẻ SATRA bị mang tiếng. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do giúp người sản xuất nông sản tìm đến SATRA và nông sản Việt lên kệ của SATRA ngày càng nhiều.

Mặc dù kết quả kết nối tiêu thụ rất khả quan và sản lượng chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới cùng với nhu cầu mở rộng của hệ thống bán lẻ SATRA, nhưng theo ông Giang Minh Trường, nhược điểm của nông sản Việt Nam nói chung, nhất là các loại rau ăn lá nói riêng, là phụ thuộc vào thời tiết. Vì vậy, khả năng cung ứng của người sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của SATRA đôi khi không trùng khớp với nhau. Chẳng hạn vào mùa nắng, thông thường cây phát triển tốt, nhu cầu thực tế của SATRA và khả năng cung ứng nông sản của các địa phương phù hợp, tương đồng nên hàng hóa dồi dào, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý thì vào mùa mưa, rau củ quả bị dập úng, hư nhiều, sản phẩm của nông dân không đủ để cung ứng cho SATRA khiến giá cả tăng cao, chất lượng lại không tốt. Vì vậy, ông cho rằng người sản xuất cần thay đổi thói quen canh tác phù hợp với điều kiện thiên nhiên hoặc đầu tư canh tác kỹ thuật cao nhằm hạn chế tác hại của thiên nhiên để duy trì sản lượng và chất lượng nông sản trong mùa mưa để sản phẩm duy trì và tiêu thụ đều đặn nhằm mang lại giá trị cao hơn cho cả người sản xuất và người phân phối.

Trong buổi làm việc hồi tháng 3 với tỉnh Long An, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, cũng đề xuất để hàng hóa vào được hệ thống SATRA nhiều hơn nữa, các nhà cung cấp - ngoài việc tập trung sản xuất hàng chất lượng, đạt tiêu chuẩn VietGAP - thì cần chú trọng hoàn thiện hồ sơ, chứng từ chứng minh được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Một vấn đề khác cũng đang được SATRA tiến hành để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đó là sắp tới, SATRA sẽ cùng với những nhà cung cấp số lượng lớn tổ chức đóng gói bao bì tại chỗ trước khi vận chuyển về nơi tiêu thụ để giảm hao hụt, giảm rác thải phát sinh sau sơ chế nhằm giảm giá thành và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nói về định hướng phát triển hệ thống bán lẻ của SATRA dựa trên nguồn sản phẩm là hàng Việt chiếm đa số, ông Nguyễn Phúc Khoa cho biết: “Chúng tôi có sự tự tin trong việc phát triển mạng lưới bán lẻ của mình khi chọn cho mình lối đi riêng thiên về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Lối đi đó phù hợp với thế mạnh của SATRA, đồng thời còn giúp chúng tôi thực hiện trách nhiệm cộng đồng khi có thể hỗ trợ nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm! SATRA  hiện đang nỗ lực tiến hành các chương trình liên kết mới một cách tích cực, chú trọng hỗ trợ nông dân hoàn thiện chất lượng sản phẩm mới để có thêm nhiều sản phẩm ngon, lành phục vụ người tiêu dùng.” 

Hải Sơn - Mai Nguyên


Các tin khác