Bắt nhịp xu hướng mới, vững vàng trên đường phát triển

Theo các cơ quan chức năng, Việt Nam thuộc top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Hiện hàng loạt nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan…đã đầu tư vào Việt Nam khiến sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt.

Vừa tham dự Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “10 năm phát triển thị trường bán lẻ và thách thức của tương lai” diễn ra tại Hà Nội và trở về TP.HCM, nhân nói về việc thích ứng của SATRA cũng như các nhà bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh vừa nêu, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV, cho biết:

Không phải riêng tôi mà bất cứ ai khi đã bước chân vào thị trường bán lẻ đều nhận thấy xu hướng của thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã đẩy ngành công nghiệp bán lẻ đến một nấc thang mới. Ở đó, sự tương tác giữa người mua với nhà bán hàng, nhà cung cấp đã được nâng lên một mức độ khác hẳn.

 

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV

Tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh hiện đang rất cao. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, đến năm 2020, có đến 80% dân số nước ta sử dụng điện thoại di động, trong đó gần 55% sử dụng điện thoại thông minh. Do vậy, nếu không bắt nhịp kịp về mặt tư duy trong xu hướng tiêu dùng và thay đổi trong công nghệ bán hàng thì chúng ta sẽ không tiếp cận được lượng khách hàng rất lớn này.xu hướng này, buôn bán đơn kênh sẽ trở nên lỗi thời và buôn bán đa kênh sẽ dần lên ngôi. Do vậy, nhà bán lẻ sẽ phải vận dụng phương thức bán hàng truyền thống kết hợp bán hàng trực tuyến, ứng dụng mạng xã hội và áp dụng công nghệ thông tin trong bán hàng.

Ông cho rằng buôn bán đơn kênh đã lỗi thời, vậy ắt hẳn một nhà bán lẻ như SATRA sẽ có sự điều chỉnh về mặt chiến lược kinh doanh trong năm 2018 và những năm tiếp theo cho phù hợp với xu thế mới?

Chắc chắn là vậy! Nhận thức được những xu hướng trên, ban lãnh đạo SATRA đã xác định việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bán lẻ là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển 3 năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020 và cả nhiệm kỳ tiếp theo.

Điều này đòi hỏi SATRA phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công cụ xử lý và công cụ thanh toán sao cho phù hợp như mở rộng thêm hình thức thanh toán hiện đại, kiểu ví điện tử chẳng hạn. Đây là hình thức thanh toán đang rất thịnh hành ở các quốc gia phát triển. Hiện nay, các ngân hàng đang có ý muốn thúc đẩy thanh toán qua nhiều hình thức khác nhanh chóng, tiện lợi hơn chứ không chỉ đơn giản bằng hình thức thẻ tín dụng như trước đây.

Song song đó, SATRA sẽ phải có định hướng về áp dụng kỹ thuật công nghệ trong vận hành bán lẻ. Sử dụng nhân công nhiều mà không áp dụng khoa học kỹ thuật vào bán lẻ sẽ dẫn đến tình trạng thâm dụng lao động. Hiện nay ở nhiều siêu thị, trên một dãy kệ hoặc nhóm hàng phải có ít nhất 2 nhân viên. Một nhân viên của nhà cung cấp và 1 nhân viên của đơn vị bán lẻ để phục vụ khách hàng. Trong khi đó, thế giới đã áp dụng rất nhiều công nghệ từ quét mã để kiểm tra hàng trên kệ đến áp dụng phương thức thanh toán bằng người máy tại quầy hoặc sử dụng kỹ thuật tự thanh toán.

Điểm thứ hai SATRA hướng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật cao là mảng logistics. Cũng theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, 45% người tiêu dùng sẽ không muốn nhận hàng nếu thời gian giao hàng kéo dài quá 1 ngày kể từ lúc đặt hàng. Từ năm 2016, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều đơn vị logistics có uy tín trên thế giới để thảo luận việc hợp tác. Trong năm 2018, SATRA sẽ hình thành một liên doanh trong lĩnh vực này.

2017Như vậy hệ thống vận chuyển kho vận, vận tải và cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực bán lẻ của công ty mẹ và cả các công ty thành viên sẽ được trang bị những kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhất hiện nay để chủ động trong việc đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất trên cơ sở sử dụng nguồn lực chung.

Thưa ông, nhìn lại kết quả hoạt động của SATRA trong năm 2017, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?

Năm vừa qua có hai điều mà tôi tâm đắc là sự phát triển mạnh của lĩnh vực bán lẻ và sự thành công của chương trình liên kết.

Lĩnh vực bán lẻ đã có sự phát triển mạnh cả về lượng và chất. Tỉ trọng doanh thu của toàn hệ thống bán lẻ trên tổng doanh thu của Công ty mẹ đã tăng trưởng ấn tượng từ con số 10% những năm trước lên đến 25% trong năm 2017. Đến cuối năm 2017, SATRA đã có 157 cửa hàng Satrafoods, vượt 02 cửa hàng so với kế hoạch năm. Trong hệ thống bán lẻ thì doanh thu của chuỗi Satrafoods tăng ấn tượng: 65% so với năm 2016, trong đó, nếu loại trừ yếu tố tăng do tăng số lượng cửa hàng thì SATRA có lượng tăng thuần rất ấn tượng vào khoảng 25%. Nếu so với mức tăng khoảng 12,6% của toàn thị trường bán lẻ tại Việt Nam (theo đánh giá của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Bộ Công thương) thì trong năm nay, chỉ số tăng doanh thu của SATRA gần như gấp đôi.

Các chương trình liên kết với các hiệp hội, ngành nghề, bà con ở các tỉnh thành đã đi vào chiều sâu và bắt đầu phát huy tác dụng. Cả SATRA và các địa phương liên kết đều có những đánh giá tốt về nhau. Nhờ chương trình này, SATRA đã có thể tiếp cận trực tiếp các đối tác, vùng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng với giá cả tốt nhất...Thêm vào đó, SATRA cũng có thể trao đổi với nhà cung cấp để điều chỉnh quy cách đóng gói các sản phẩm hoặc những vấn đề khác nhằm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng. Nhờ tiếp cận trực tiếp nên kênh phản hồi giữa người mua hàng với nhà cung cấp và nhà bán lẻ là SATRA trở nên rất nhanh chóng, thông suốt và đạt nhiều hiệu quả.

Sau khi SATRA đặt 10 cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ, đánh dấu sự có mặt của SATRA tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhiều tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng… đã đề nghị SATRA hợp tác để đặt chuỗi cửa hàng bán lẻ tại địa phương. Điều đó cho thấy uy tín của SATRA đối với các địa phương và người dân là rất lớn.

Hệ thống bán lẻ của SATRA có khác biệt lớn với nhiều hệ thống bán lẻ khác về định hướng và mục tiêu hoạt động. Ông có thể cho biết điều này đã mang đến cho SATRA những lợi thế nào? SATRA đã và sẽ phát huy lợi thế đó ra sao?

Khác với các hệ thống bán lẻ khác, SATRA có mặt hàng chủ đạo là nguồn hàng tươi sống. Điều này cũng nói lên rằng SATRA định vị cho mình phân khúc thị trường là cung ứng hàng hóa thiết yếu và nhất là các loại thực phẩm tươi sống để phục vụ bà con. Mặt hàng này phù hợp với người tiêu dùng không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận, nhất là khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm tươi sống gồm rau, củ, quả, thịt… có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc đang là vấn đề bức thiết. Đây cũng là lí do vì sao các cửa hàng bán lẻ SATRA dù đặt ở các “thủ phủ” hàng tươi sống nhưng vẫn có doanh thu tốt. Có thể nói SATRA tự tin ở phân khúc này vì có năng lực cạnh tranh mạnh, có các công ty con cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng như VISSAN, COFIDEC …và có nguồn cung ứng lớn là Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền.

Song song đó, hệ thống bán lẻ SATRA còn cung ứng các sản phẩm với mức giá rất hấp dẫn. SATRA đã có cân nhắc và quyết định chọn đây làm điểm tạo nên sự khác biệt của mình. Vì tỉ lệ lãi gộp của SATRA tại các cửa hàng trong hệ thống không cao, dẫn đến giá cả một số mặt hàng thiết yếu được bán tại các siêu thị có giá ngang bằng với giá ở chợ truyền thống. Các cửa hàng tiện lợi khác khó có thể làm được điều này, vì dù ở Việt Nam hay nước ngoài, các cửa hàng tiện lợi đều được mặc định lúc nào cũng có tỉ lệ lãi gộp trên giá bán cao để bù đắp cho các khoản chi phí vận hành.

Để có được những điểm khác biệt trên, SATRA đã triển khai nhiều phương pháp, trong đó có chủ động nguồn nguyên liệu thông qua việc xây dựng các vùng nguyên liệu riêng, thực hiện chương trình liên kết với các tỉnh để lúc nào cũng có nguồn nguyên liệu ổn định về giá và số lượng. Ngoài ra, SATRA còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống xử lý, bảo quản và đội ngũ nhân lực để đáp ứng hiệu quả nhất các nhu cầu của thị trường.

Sau Cần Thơ, SATRA dự kiến sẽ mở rộng hệ thống bán lẻ đến những địa phương nào? SATRA có tiêu chí gì khi chọn địa điểm để đặt hệ thống bán lẻ không, thưa ông?

Trong năm qua chúng tôi đã khảo sát và làm việc tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt SATRA sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng Satrafoods tại các tỉnh Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp...

Khi chọn địa điểm đặt hệ thống bán lẻ, SATRA quan tâm đến quy mô và mật độ dân số, thu nhập người dân và nhu cầu mua sắm tại cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, cũng xét đến trình độ dân trí ở vùng mình đặt cửa hàng và nét văn hóa riêng của vùng miền. Nhìn chung, người dân ở các tỉnh miền Tây song song với việc mua sắm ở các chợ truyền thống thì vẫn rất thích đi các cửa hàng hiện đại. Ví dụ như ở Cần Thơ, dù là “thủ phủ” của trái cây nhưng các mặt hàng trái cây, đặc biệt trái cây ngoại nhập tại hệ thống Satrafoods vẫn bán rất chạy.

Xin ông cho biết thêm năm 2018 SATRA sẽ làm gì để phát triển mạnh hơn việc kết nối cung cầu? SATRA có dự định sẽ mở rộng địa bàn hợp tác và mở rộng lĩnh vực kết nối sang các mặt hàng khác không?

Năm 2018, SATRA sẽ đưa việc kết nối cung cầu đi vào thực chất hơn nữa. Ví dụ chúng tôi đề nghị các địa phương gửi hồ sơ, giấy chứng nhận các mặt hàng để thẩm định trước khi đến tận nơi làm việc. Chúng tôi đặt mục tiêu sau gặp gỡ trao đổi, khi ra về cả hai bên phải cầm trên tay hợp đồng kinh tế chứ không là biên bản ghi nhớ như trước đây.

Để các sản phẩm trong hệ thống bán lẻ trở nên đa dạng và mang tính đặc trưng vùng miền, SATRA sẽ “đặt hàng” trước cho địa phương những mặt hàng người tiêu dùng đang thực sự cần từ thực tế quan sát và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường của SATRA.

Trước mắt, do thuận lợi về mặt địa lý, SATRA sẽ triển khai việc kết nối cung cầu ở địa bàn các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ và vẫn tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, tươi sống và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm nông nghiệp.

Thưa ông, đâu là những kỳ vọng cho sự phát triển của SATRA trong thời gian sắp tới?

Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo, mỡ cá. Với kỳ vọng trở thành một trong những đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam, hiện nay SATRA đang tổ chức lại việc kinh doanh gạo và đầu tư cho các nhà máy gạo, tiến tới đưa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực bên cạnh mỡ cá.

Ngoài ra, SATRA cũng sẽ sắp xếp lại thị trường hợp tác, trong đó tập trung vào các thị trường đã có những hiệp định Thương mại Tự do (FTA) tốt như Nhật Bản, Châu Âu… và tìm những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để tập trung kinh doanh.

Đối với các công ty con, đặc biệt là các đơn vị đang kinh doanh ngành hàng tươi sống và chế biến, SATRA sẽ cố gắng không chỉ tập trung vào kênh bán hàng hiện đại mà còn phát triển cả kênh truyền thống trong lúc kênh bán hàng này vẫn còn vai trò nhất định trong đời sống, ví dụ như mở rộng mạng lưới bán hàng của VISSAN đến các chợ. Năm vừa rồi, VISSAN đã thử nghiệm bán heo mảnh sỉ cho thương nhân mua về bán tại chợ truyền thống, kết quả đạt được khá tốt. Sắp tới, trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phát triển thêm.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thuận lợi – khó khăn luôn song hành nhưng với quyết tâm của Ban lãnh đạo và sự đồng thuận của tập thể cán bộ - công nhân toàn Tổng công ty cũng như những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiệu quả trong hoạt động của cả tập thể, tôi nghĩ SATRA chúng tôi sẽ có thêm những thành công mới trong thời gian tới.

Ngọc Phương

Các tin khác